Mới học lớp 5 mà đã biết cầm số tiền 50.000 đồng của bố cho bắt nhờ xe nhà của một nhỏ bạn học cùng lớp từ Vũng Tàu lặn lội ra Kiên Giang để mua 10 bao muối đem về bán ở chợ, kiếm được 50 ngàn đồng tiền lãi.Cái máu kinh doanh ấy đã theo chị Phạm Thị Kim Anh, một người phụ nữ còn rất trẻ với hai bàn tay trắng, đã thành công với thương hiệu cháo Cây Thị với hệ thống hơn 20 cửa hàng cháo dinh dưỡng cao cấp.
Hai trăm ngàn đồng cho bước khởi đầu
Một số tiền khá "khiêm tốn" cho một người phụ nữ bước đầu bỡ ngỡ rời quê chồng miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp. Thế nhưng chị vẫn tin sẽ làm nên "điều kỳ diệu" trong cuộc hành trình mưu sinh của mình. Nói về bản lĩnh và "máu" kinh doanh của mình, chị hồ hởi kể lại một kỷ niệm nhỏ thời ấu thơ, giống như một dự báo cho "cái nghiệp" mà chị sẽ đeo mang: "Lúc đó mình chỉ mới là con bé học lớp 5, được bố cho 50.000 đồng thế là mình bắt nhờ xe nhà của một nhỏ bạn học cùng lớp từ Vũng Tàu lặn lội ra Kiên Giang để mua 10 bao muối đem về bán ở chợ, kiếm được 50 ngàn đồng tiền lãi, mừng không kể xiết. Và cũng từ đó mình quyết tâm rằng, mình phải lập nghiệp và thành công bằng con đường kinh doanh".
Và 11 năm sau cũng con người đó, với 200 ngàn đồng "lận lưng" chị đã bắt đầu bươn chải với nghề bán bún, phở... Với tài nấu nướng khéo và ý thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tốt nên hàng chị bán luôn "đắt như tôm tươi". "Rồi một ngày tôi tình cờ nhìn thấy hàng cháo sườn của người chị gái đang bán rất đắt khách, phần lớn họ là những người mẹ đến mua cháo cho con. Lúc đó tôi chợt nghĩ, tại sao không phải là nhiều loại cháo dinh dưỡng cho bé mà chỉ là cháo sườn? Chợt một ý tưởng kinh doanh lóe lên trong đầu tôi".
Vài ngày sau đó, bên vỉa hè chợ Cây Thị (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có một người phụ nữ ngồi bán cháo với bộ đồ trắng tinh. Ngày đầu tiên chị bán được bốn bịch cháo, ngày thứ hai là 10 bịch cháo... Và cứ thế, sáng nào chị cũng kiên nhẫn đạp xe, chở đủ các loại cháo: Cháo cá, cháo tôm, cháo thịt... Hàng cháo của chị cứ ngày một đông khách, có những ngày chị bán được hơn 100 bịch cháo. Một năm sau đó, chị đã có trong tay gần 100 triệu đồng, có vốn chị bắt đầu tạo đà cho mình khi nhân rộng dần các điểm bán và lần lần chị đã có hơn 40 nhà phân phối nằm rải rác trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Rồi sau đó là Công ty TNHH Kim Anh Thư, do chị làm giám đốc, ra đời với sản phẩm chủ yếu là cháo bịch. "Để có được những thành công đó, tôi luôn đặt cái tâm của một người hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm lên hàng đầu, chất lượng và vấn đề vệ sinh luôn phải đảm bảo tuyệt đối", chị chia sẻ.Công việc là tình yêu
Không dừng lại ở đó, dường như trong "nội lực" của người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ, mảnh mai ấy là một "năng lượng" làm việc hăng say, không có điểm dừng. Đầu năm 2007, chị bắt đầu cho khai trương một chuỗi các cửa hàng cháo dinh dưỡng cao cấp ở khắp các quận với vốn đầu tư ban đầu hơn 5 tỉ đồng. Đó là một hệ thống dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất của Nhật, tất cả các dụng cụ đều bằng inox, mọi quy trình sản xuất đều đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Với 11 loại cháo dinh dưỡng và 3 loại súp, khách hàng đến mua đứng sau hệ thống kính chắn và chọn loại cháo theo nhu cầu.
Đối với người phụ nữ này hình như khó khăn không làm chị lùi bước mà như một bước đệm để chị tiếp tục vươn đến. "Lúc ban đầu làm mô hình này mình đã gặp thất bại, và mình đã quyết tâm làm lại dù có những lúc phải lột cả nữ trang, bán, cầm xe, nhà cửa để đầu tư. Đối với mình đã không làm thì thôi còn khi đã quyết tâm thì phải thực hiện cho bằng được". Có lẽ sự liều lĩnh và niềm đam mê trong kinh doanh đã khiến chị không khớp khi dám "đánh cược" tất cả vào một mô hình về cháo dinh dưỡng mà chưa ai làm tại Việt Nam. Đến bây giờ có thể nói, chị đã thành công với hơn 20 hệ thống cửa hàng cháo với thương hiệu Cây Thị và sắp tới sẽ là 50 cửa hàng được mở rộng về các tỉnh lân cận. Một sự "bứt phá" đầy táo bạo để đến thời điểm hiện tại thương hiệu Cây Thị đã có sự ngã giá hơn 50 tỉ đồng.
Mỗi ngày, 5 giờ sáng chị đã thức dậy, đi một vòng tất cả các cửa hàng để kiểm tra, đôn đốc. Lúc rảnh rỗi, chị "xắn tay áo" đứng bán cháo cùng nhân viên. Nhìn cái cách chị cười nói với khách hàng và thái độ ân cần chỉ bảo từng nhân viên trong cách chăm sóc khách hàng, chắc ai cũng thấy được cái "máu" tham công tiếc việc của chị. "Đối với tôi, công việc là tình yêu. Có những lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi trước những cạnh tranh, va vấp trên thương trường nhưng rồi mỗi ngày mới lại có thêm nhiều công việc mới đang chờ mình, nghĩ đến điều đó tôi như được tiếp thêm sức lực để bước tiếp".
Mới đây, Công ty cổ phần TMSX Song Kim do chị làm tổng giám đốc được thành lập như một minh chứng cho những "bước nhảy" không bao giờ dừng lại. Và tôi hiểu rằng khi dòng chữ "Cháo dinh dưỡng Cây Thị" mỗi ngày được nhân rộng thêm ở tất cả các nẻo đường thì gánh nặng và áp lực công việc lại càng đè nặng trên đôi vai của người phụ nữ bé nhỏ này.
( Theo Thanh Niên)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Đây là Blog cộng đồng, có thể trao đổi và học hỏi vì vậy mọi nhận xét các bạn nên dùng những từ dễ nghe, không nên dùng những lời tục tiểu thiếu văn hóa.Cám ơn các bạn.