Giảm lãi suất VND sẽ tạo nhiều thuận lợi cho nền kinh tế - đó là nhận xét của PGS - TS Trần Hoàng Ngân - thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
Theo ông Ngân, chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất VND là hợp lý, thực hiện càng sớm càng tốt. Ông Ngân nói:
- Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội có ghi: “Giảm dần lãi suất theo mức giảm của lạm phát, chủ động điều hành thực hiện lạm phát mục tiêu”. Thủ tướng cũng đã yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát năm 2012 dưới 10%. Chỉ số CPI trong những tháng gần đây cho thấy lạm phát đã được kiểm soát tốt hơn trước, thể hiện xu hướng tốc độ tăng giá giảm dần. Vì vậy, xu hướng điều hành lãi suất giảm là xu hướng tất yếu trong giai đoạn tới, còn giảm ở thời điểm nào là do NHNN lựa chọn và quyết định. Theo tôi, lãi suất giảm càng sớm càng tốt.
Cụ thể, việc giảm lãi suất sẽ có lợi như thế nào, thưa ông?
- Việc giảm lãi suất sẽ tạo nên những hiệu ứng tốt cho nền kinh tế, trước hết là góp phần làm giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Sau khi NHNN chỉ đạo thực hiện chặt chẽ quy định trần lãi suất đầu vào 14%, lãi suất đầu ra đã giảm xuống còn 17 - 18%, có những trường hợp giảm còn 16%, nhưng vẫn cần tiếp tục giảm sâu hơn.
Lãi suất giảm giúp cho DN tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Lãi suất NH giảm còn giúp DN thuận lợi hơn trong việc phát hành CP trên thị trường CK, thúc đẩy tiến độ CP hóa DN nhà nước, tạo điều kiện cho thị trường CK phát triển. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DN cũng dễ dàng, thuận lợi hơn do tăng thanh khoản trên thị trường CK...
Trong đợt siết chặt lãi suất trần huy động còn 14% vừa qua có hiện tượng người dân rút tiền khỏi NH, gây khó khăn cho một số NH nhỏ. Lãi suất liên NH vì vậy tăng cao, có lúc vượt 30%. Người dân gửi tiền quen tính toán lãi suất thực dương. Theo ông, nếu lãi suất đầu vào tiếp tục hạ có gây khó khăn cho một số NH thương mại?
- Một chính sách mới ban hành bao giờ cũng có tác dụng phụ. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã có những thành công bước đầu trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhưng kèm theo đó là chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao khiến cho nhiều DN thua lỗ, có đến 48.700 DN ngừng sản xuất hoặc phá sản.
Việc giảm lãi suất có thể kéo theo hiệu ứng là người dân rút bớt tiền khỏi NH, nhất là các NH nhỏ, yếu kém. Vì vậy, trước khi giảm lãi suất NHNN cần chuẩn bị chính sách hỗ trợ thanh khoản cho các NH nhỏ. Việc dân rút tiền khỏi NH không hẳn chỉ là xấu. Nếu một lượng tiền chuyển sang đầu tư CK hoặc tiêu dùng trong dịp tết, giúp các DN tiêu thụ được hàng hóa cũng là tốt.
Giảm lãi suất cũng sẽ tạo áp lực đối với thị trường ngoại tệ và NHNN cũng cần tăng cường kiểm soát, quản lý để tránh tình trạng căng thẳng USD, cụ thể là kiểm tra USD chợ đen, hạn chế cho vay bằng USD. Giá USD trên thị trường tiền tệ thế giới đang giảm, nếu so với VND, giá USD tăng sẽ làm cho lạm phát tăng.
Về lãi suất thực dương, trong 4 tháng qua chỉ số CPI bình quân mỗi tháng dưới 1%, riêng trong tháng 11 chỉ có 0,39%. Nếu hạ lãi suất trần tiền gửi xuống 12% thì người gửi vẫn được lãi suất thực dương.
- Cảm ơn ông!
Theo Lao Động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Đây là Blog cộng đồng, có thể trao đổi và học hỏi vì vậy mọi nhận xét các bạn nên dùng những từ dễ nghe, không nên dùng những lời tục tiểu thiếu văn hóa.Cám ơn các bạn.