Một dự án khởi nghiệp khả thi, trước hết dự án đó phải tìm được một thị trường riêng cho các sản phẩm, dịch vụ của mình phát triển, đồng thời phải có các chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành bại của một DN mới, nhưng yếu tố đầu tiên là tính khả thi của ý tưởng kinh doanh và cách thức triển khai ý tưởng đó ra thị trường.
Đánh giá ý tưởng
Một doanh nhân nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực phần mềm từng chia sẻ: "Chúng tôi từng nghĩ mình đã tạo ra được một phần mềm bất ngờ cho nhân loại đến mức họ sẽ chen nhau để mua được sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế là sản phẩm đó chỉ hấp dẫn được chúng tôi, chứ không phải khách hàng. Chúng tôi khiến nhân loại phải ngáp dài. Thật là một thành tựu kinh ngạc!".
Có rất nhiều ý tưởng xuất hiện trong mỗi ngày và cũng có rất nhiều ý tưởng được triển khai kinh doanh trong thực tế nhưng không phải ý tưởng nào cũng thành công. Các ý tưởng này đều xuất phát từ sự quan sát, từ nhu cầu thực tế của mỗi người. Vì thế, để đánh giá được ý tưởng có được triển khai thành công hay không, trước hết phải đánh giá dưới góc độ của một nhà kinh doanh, một nhà quản trị DN và trả lời được các câu hỏi: Ý tưởng có giá trị xã hội không? Đâu là thị trường của ý tưởng đó và nhu cầu đến mức nào? Ý tưởng đó được triển khai ra thị trường theo cách thức nào? Nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản trị của chủ đầu tư ở mức nào? Đối thủ cạnh tranh là ai? Có khả năng thuyết phục được các nhà đầu tư không?...
Một trong những điểm yếu dễ vấp phải ở các DN mới là ít có những nghiên cứu nghiêm túc về tiềm năng của thị trường. Đánh giá chung về các dự án tham gia Cuộc thi khởi nghiệp, một số giám khảo cho rằng, nhiều ý tưởng hay nhưng khó triển khai trong thực tế do không có sự đầu tư thời gian, công sức cho nghiên cứu thị trường, hoặc chọn sai đối tượng khách hàng để nghiên cứu.
Lập kế hoạch triển khai ý tưởng
Tuy nhiên, một ý tưởng dù có khả thi đến đâu cũng khó có thể được triển khai thành công nếu không có một bản kế hoạch kinh doanh chi tiết, chính xác với thực trạng thị trường, với năng lực của chủ đầu tư và các bước triển khai thực tế. Bản kế hoạch kinh doanh sẽ giúp DN không đi chệch mục tiêu đã đề ra ban đầu và đảm bảo cho sự thành công của dự án. Bản kế hoạch kinh doanh sẽ bao phủ toàn bộ ý tưởng kinh doanh và các hướng đi mà DN sẽ thực hiện khi bắt đầu tham gia vào thị trường. Ông Trịnh Hồng Chương - TGĐ IBOSS VN cho rằng: "Lúc mới khởi nghiệp cần nhất là phải có chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn khác nhau, như giai đoạn đầu chưa có doanh thu, lợi nhuận thì sẽ xây dựng DN như thế nào? các giai đoạn tiếp theo triển khai dịch vụ nào?.."
Kế hoạch kinh doanh là một công cụ quản lý của DN, giúp DN xác định các mục tiêu, các chiến lược, xác định thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, nội lực của DN, đưa ra các phương hướng kinh doanh và phương thức để thực hiện các mục tiêu, chiến lược. Đặc biệt, bản kế hoạch kinh doanh khả thi cũng là phương tiện để tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, từ các quỹ đầu tư, cũng như các nhà đầu tư khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Đây là Blog cộng đồng, có thể trao đổi và học hỏi vì vậy mọi nhận xét các bạn nên dùng những từ dễ nghe, không nên dùng những lời tục tiểu thiếu văn hóa.Cám ơn các bạn.