Khởi nghiệp không chỉ là khái niệm đơn giản về việc kinh doanh một sản phẩm nào đó. Đó còn là việc sáng tạo nên sản phẩm hữu ích mà mọi người cần đến và khai thác hết tất cả tiềm năng của nó.
Đây là những điều mà Gary Levitt đã làm được khi anh sáng lập nên công ty khởi nghiệp Mad Mimi, chuyên cung cấp dịch quảng cáo qua thư điện tử, mà hiện nay đang rất phát triển với doanh thu hàng năm đạt từ 4 đến 8 triệu đô la.
Nhưng đằng sau thành công này là chặng đường dài mà không kém phần thú vị. Sinh ra và lớn lên tại Nam Mỹ, Levitt từng là một người chơi ván trượt chuyên nghiệp và là một nhạc sĩ trước khi trở thành một doanh nhân khởi nghiệp.
Anh chuyển tới sống tại Boston năm 19 tuổi để học một khóa ghi-ta cơ bản, nơi anh có ý định sẽ chơi nhạc Jazz trong vòng 5 năm sau đó. Vậy nên, có thể thấy những bước chân đầu tiên của anh vào lĩnh vực kinh doanh ghi dấu ấn rõ nét nền tảng nghệ thuật này.
Ban đầu, Levitt thành lập một công ty thương mại dịch vụ âm nhạc cuối những năm 90 chuyên sáng tác bản nhạc mới theo yêu cầu. Chính trong khoảng thời gian này, sức mạnh của thư điện tử đã làm thay đổi cuộc đời anh, là tiền đề để anh cho ra đời một công ty trị giá hàng triệu đô la sau này.
“Khi tôi loay hoay tìm cách quảng bá cho công ty âm nhạc của mình, tôi chọn cách gửi thư điện tử bởi vì đây là phương tiện rẻ và tiện lợi nhất để thu hút sự chú ý của mọi người.” Levitt cho biết. “ Với một người xuất thân từ giới nghệ thuật như tôi, thực sự là rất khó khăn trong công việc tạo email nổi bật, thậm chí tôi đã phải hack, cùng với sử dụng DreamWeaver và bất kì phần mềm hữu dụng nào khác tôi có”.
Năm 2000, một trong những email đó đã đến được tới Oprah Winfrey Show, và nó đem lại cho Levitt một hợp đồng lớn. Anh có cơ hội được sáng tác nhạc riêng cho chương trình trong 6 năm.
Sau đó, Levitt quyết định đổi hướng, không còn gắn bó với âm nhạc nữa. Có một cơ hội kinh doanh trong việc gửi email này, anh nghĩ, và đã bắt đầu kết nối mọi ý tưởng để hình thành nên Mad Mimi.“Ban đầu, mất tới ba hay bốn tháng tôi loay hoay và tiêu tốn hết số vốn phát triển tầm 13.000 đô la” - anh cho biết. “Kết cục chẳng đi đến đâu và tôi lại bắt đầu với nguồn vốn mới, góp nhặt từ bạn bè và gia đình – khoảng 100.000 đô la, tôi tiếp tục phí mất một năm trời và lại rơi vào cảnh nợ chồng chất”.
Tiền không phải là khó khăn duy nhất. Levitt không hề có chút kinh nghiệm nào về công nghệ và cần tìm sự giúp đỡ. Anh đã mua một đống sách về và đọc tất cả những kiến thức cơ bản về kinh doanh, công nghệ và thiết kế trong lĩnh vực quảng cáo thư điện tử.
Nhưng từ lý thuyết đến thực tế là cả một vấn đề lớn đối với Levitt.
Giao diện trang chủ của Mad Mimi
Levitt đã sục sạo trên mạng để tìm kiếm một lập trình viên giỏi và có tầm nhìn xa trông rộng. “Tôi đã lục ra 86 nhà phát triển phần mềm xuất sắc nhất”, anh cho biết. “Tôi liên lạc với từng người, tìm hiểu và gửi cho họ thư cá nhân và mô tả chi tiết về dự án. Trong số 30 đến 40 người hồi đáp, có một người gây ấn tượng với tôi đó là Dave Hoover”.
Hoover là một bác sĩ gia đình và đã bước vào lĩnh vực lập trình để thoát khỏi công việc chuyên môn tẻ nhạt. Anh làm cho một hãng phát triển phần mềm có tên Obtiva. Anh nhìn thấy tiềm năng lớn phát triển trong dự án của Levitt.
“Hoover thực sự khao khát công việc đó và nghĩ rằng nó sẽ giúp anh phát triển công ty mới mà mình làm việc”- Levitt cho biết. “Anh ấy có một nguồn nhiệt huyết lớn. Và tôi nghĩ, Dave chính là người mà tôi đang tìm”.
Trực giác của Levitt đã đúng, hai người đã hợp tác ăn ý cùng xây dựng Mad Mimi từ những ngày đầu cho tới khi thành công. “Về cơ bản thì tôi phụ trách mảng thiết kế, thương hiệu và chăm sóc khách hàng, còn Dave sẽ lo những phần còn lại” - Levitt nói.
Như với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Mọi việc vẫn trắc trở khi đã có tiền đầu tư, rồi khi thành lập công ty, đến khi Hoover tham gia hội đồng quản trị, Levitt đã làm việc không mệt mỏi đầu tư cho trang web mới của mình.
“Hiện tôi đang sống tại căn hộ một phòng ngủ với gia đình có bốn người. Vậy nên tôi có thói quen làm việc tại quán cà phê”, Levitt chia sẻ. “Nhưng dần dà có một vài người biết về công ty và rồi nhiều người nữa. Giờ thì nó đã bắt đầu phát triển”.
Tháng 8 vừa rồi, gã khổng lồ Groupon mua lại Obtiva và Hoover trở thành một trong những người chủ chốt về mảng kỹ thuật tại đây.
Với Mad Mimi, Levitt cho biết số nhân viên của công ty hiện đã tăng lên 20 người và dịch vụ có khoảng gần 90.000 người dùng, gửi đi trung bình 30 triệu thư điện tử mỗi ngày. Khách hàng của công ty rất đa dạng, từ những nhãn hiệu lớn như Air Canada và Squidoo cho tới cửa hàng tạp hóa địa phương. Levitt nhận định rằng công việc kinh doanh này là siêu lợi nhuận và anh chưa phải nhận bất kỳ đồng tiền nào từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hai năm qua, đội ngũ của anh tập trung phát triển phiên bản mới - dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng này.
Làm thế nào để đạt được thành công như ngày nay? Levitt cho rằng phần lớn là nhờ mối quan hệ giữa Mad Mimi và khách hàng cũng như thiết kế của sản phẩm.
“Chúng tôi không cần một chương trình quảng cáo nào nữa” – Levitt cho biết. “Một trong những cách thức chính để phát triển của chúng tôi là gây shock cho mọi người, tạo hiệu ứng lan truyền thông tin. Tôi chỉ thổi thêm một ít nhiệt huyết vào dịch vụ khách hàng mà thôi. Khi một khách hàng có yêu cầu, chúng tôi sẽ gợi ý những nét đổi mới, thiết kế lại phông nền và làm tất cả những điều này một cách tốt nhất mà họ không thể ngờ tới. Và khi họ thành công thì những lời khen sẽ lan truyền trên Twitter và Facebook.”
“Giống như là một nhà nghệ thuật hay một nhạc sĩ, tôi cố gắng hết sức để tạo ra thứ âm nhạc hoàn hảo nhất”- Levitt chia sẻ. “Tôi không làm việc để mong nhận lại một điều gì đó. Tôi cũng không bận tâm làm cách nào để bán được sản phẩm – nghe có vẻ như đúng chất nghệ sỹ “chết đói” nhỉ? Tôi chỉ chuyên tâm sử dụng hết khả năng để tạo ra những sản phẩm không chê vào đâu được”.
Cho đến bây giờ thì việc này vẫn hiệu quả.
(Dịch từ Businessinsider)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Đây là Blog cộng đồng, có thể trao đổi và học hỏi vì vậy mọi nhận xét các bạn nên dùng những từ dễ nghe, không nên dùng những lời tục tiểu thiếu văn hóa.Cám ơn các bạn.